TÁI SINH?
John McConnel là cảnh sát đã về hưu nay là nhân viên an ninh. Một đêm năm 1992 sau khi xong việc, ông ghé lại một cửa hàng điện tử, thấy hai người đang trộm cửa hàng nên rút súng ra. Có kẻ thứ ba núp sau quầy hàng bắn ông, John bắn trả lại và ngay cả khi té xuống, John lại đứng dậy và bắn tiếp. Ông bị bắn sáu phát, một viên đạn vào lưng đi xuyên qua phổi trái, tim và động mạch phổi chính dẫn máu từ tâm thất phải lên phổi để nhận oxygen. Ông được chở tới bệnh viện nhưng không sống sót.
John rất thân thiết với gia đình và thường nói với con gái là Doreen rằng:
- Có chuyện gì đi nữa ba cũng luôn luôn chăm lo cho con.
Năm năm sau khi John qua đời, Doreen sinh một bé trai tên William, vừa ra ngoài không lâu thì William ngất đi. Bác sĩ định bệnh là valve của động mạch phổi không phát triển đầy đủ, làm ngăn không cho máu đi tới phổi. Do valve bị trục trặc nên thêm vào đó, tâm thất phải không tượng hình toàn vẹn. Hài nhi phải chịu giải phẫu nhiều bận và phải dùng thuốc cả đời, tuy thế em tăng trưởng rất tốt đẹp.
William có tật bẩm sinh rất giống như những vết tử thương mà ông ngoại bị, lại nữa khi tới tuổi biết nói, em bắt đầu nói về chuyện ông ngoại. Khi em ba tuổi, một hôm mẹ ở nhà muốn học bài mà William phá phách, bực quá mẹ bảo con:
- Ngồi xuống, không mẹ đánh bây giờ.
William trả lời.
- Mẹ à, hồi mẹ là bé gái nhỏ và con là ba của mẹ, mẹ hư nhiều lần lắm mà con không hề đánh mẹ !
Mới đầu mẹ chú nhỏ kinh ngạc, nhưng khi William nói thêm chuyện về ông ngoại thì cô bắt đầu thấy an ủi với ý nghĩ là ba mình đã trở lại. William nói nhiều bận rằng mình là ông ngoại và bàn về cái chết của ông. Em cho thấy có hiểu biết làm mẹ lạ lùng, như tên gọi thân mật con mèo nuôi trong nhà mà chỉ có ông ngoại dùng tên ấy, và ngày trong tuần mà ông ngoại qua đời.
Em cũng nói về giai đoạn giữa hai kiếp sống. Em bảo mẹ:
- Khi mẹ chết, mẹ không lên ngay thiên đàng. Mẹ đi qua nhiều cảnh, ở đây, rồi tới đây, rồi lên đây, vừa nói em vừa nâng bàn tay lên từng chặng. Em bảo thú vật cũng tái sinh như là người, và thú vật mà em gặp ở trên trời không cắn hoặc cào cấu.
John theo đạo Công giáo nhưng tin có tái sinh và nói rằng mình sẽ chăm sóc thú vật trong kiếp tới. Nay William bảo mình sẽ thành thú y sĩ và sẽ lo cho thú vật lớn trong sở thú. William làm Doreen nhớ lại cha về nhiều mặt. Em thích đọc sách, giống như ông ngoại cũng thích. Khi mẹ đưa con về thăm bà ngoại, em dành cả tiếng đồng hồ xem sách trong phòng sách của John, tỏ ra có tánh khí của John nhiều năm về trước. Giống như ông ngoại, William tỏ ra khéo léo trong việc ráp máy móc, và có thể nói hoài không ngưng. William đặc biệt làm Doreen nhớ lại cha mình khi em bảo mẹ:
- Mẹ đừng lo, con sẽ chăm lo cho mẹ.
Không phải chỉ có mình William là nói như vậy mà trẻ con trên khắp thế giới tỏ ra có ký ức về kiếp trước. Từ hơn 40 năm qua người ta nghiên cứu các bài ghi nhận về sự kiện trên để xem chúng chính xác ra sao về người đã qua đời. Nay đại học Virginia có hơn 2500 trường hợp được ghi lại, và bác sĩ làm việc để đưa ra giải thích hợp nhất cho những hồ sơ này. Một số trẻ nói rằng chúng là thân nhân đã qua đời trong gia đình mà chúng sinh vào, trẻ khác có kiếp trước là người xa lạ với gia đình hiện nay của chúng. Em khăng khăng về điểm này và có khi đòi được mang tới gia đình trước đây của em ở nơi khác. Khi trẻ cho biết các tên tuổi hay đủ chi tiết về nơi chốn ấy, gia đình thường đi tới đó và thấy lời mô tả của em ứng với cuộc đời của một người chết lúc gần đây.
Các trẻ nhỏ đưa ra nhận xét rất sớm. Đa số khi nói về kiếp trước thường làm vậy trong khoảng từ hai đến bốn tuổi. Em gần như luôn luôn ngừng nói vào khoảng sáu hay bẩy tuổi, và có vẻ như sau đó sống đời bình thường. Những kiếp trước mà em mô tả thường là kiếp rất gần, trên thực tế thời gian trung bình giữa cái chết của người kiếp trước và lúc trẻ sinh ra chỉ vào khoảng 15, 16 tháng. Có ít hồ sơ là của nhân vật nổi tiếng, mà gần như hầu hết mô tả những cuộc đời bình thường, đôi khi kết liễu theo cách thật bất hạnh.
Suzanne Ghanem ở Lebanon là một thí dụ, lúc chưa tới một tuổi, chữ đầu tiên em biết nói là 'Leila', em hay nhấc điện thoại lên và nói 'Hello, Leila'. Em bắt đầu kể cho gia đình về kiếp trước chấm dứt lúc em sang Hoa Kỳ để giải phẫu tim. Suzanne nói về kiếp này rất nhiều, nhưng gia đình em không truy ra được người kiếp trước là ai mãi cho tới khi Suzanne được năm tuổi. Lúc đó em gặp gia đình của người mà em nghĩ là mình hồi đó, và làm họ tin rằng em là thiếu phụ đã tái sinh khi tỏ ra biết nhiều chi tiết về kiếp ấy.
Tính ra, em kể lại 40 điều về kiếp trước được kiểm chứng là chính xác, trong đó có tên của 25 người. Hóa ra thiếu phụ hồi đó qua đời tại một trung tâm y khoa ở Hoa Kỳ, cô có một con gái không thể sang Hoa Kỳ với mẹ vì có trục trặc về sổ thông hành. Trước khi thiếu phụ chết, anh của cô tìm cách gọi cháu gái để em mình có thể nói chuyện với con mà không được. Tên con gái của thiếu phụ là Leila.
Giống như William, nhiều trẻ nhỏ sinh ra có dấu vết hay tật bẩm sinh tương ứng với thương tật ở kiếp trước, thường là những tử thương mà họ gặp phải. Thí dụ khác là em Suleyman Caper ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc có mang, mẹ em nằm mơ thấy một người đàn ông mà bà không quen biết nói với bà:
- Tôi bị cái xẻng đánh làm thiệt mạng. Tôi muốn ở với bà và không muốn ở với ai khác.
Khi Suleyman sinh ra, một phần của sọ phía sau bị lõm và em cũng có một vết bẩm sinh ở đó. Khi biết nói, em kể mình là người thợ xay bột bị đánh chết khi một khách hàng giận dữ xáng vào đầu ông. Cùng với nhiều chi tiết khác, em nói tên của người thợ xay bột và làng mà em sinh sống. Người ta truy ra là một khách hàng giận dữ đã giết chết người thợ xay bột có tên đó trong ngôi làng đó, bằng cách lấy xẻng đập vào sau đầu của ông.
Nhiều vết bẩm sinh không phải chỉ là khoảng da nhỏ bị đổi mầu mà đúng ra, thường khi chúng có hình dạng hay kích thước khác lạ và nhăn nhúm hoặc u lên, thay vì phải lẽ ra nằm phẳng. Một số có hình dạng lạ lùng và nổi bật. Có vài trường hợp vết bẩm sinh hình tròn, nhỏ, tương ứng với chỗ đạn đi vào, và một vết lớn hơn có hình dạng không đều tương ứng với chỗ đạn đi ra.
Các trường hợp khác có vết bẩm sinh nằm ở những nơi khác thường, như có vết bao quanh mắt cá chân, và có tật ở tay/chân hay ngón tay/ngón chân hoặc không có những bộ phận ấy. Trong những trường hợp này, vết bẩm sinh và tật bẩm sinh có thể cho dấu hiệu cụ thể về sự liên kết giữa trẻ và người kiếp trước. Khi có bản giảo nghiệm tử thi hoặc y bạ của người kiếp trước, các nhà nghiên cứu có thể so sánh vết bẩm sinh với vết thương của người trước, để xem chúng tương ứng nhiều tới bực nào.
Thêm vào đó, nhiều trẻ lộ ra hành vi có vẻ như liên kết với ký ức về kiếp đã qua mà chúng đang kể lại. Vài trẻ biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ liên can đến ký ức này, và năn nỉ cha mẹ dẫn em tới gia đình kiếp trước của mình hoài cho tới khi cha mẹ xiêu lòng. Nhiều trẻ cũng lộ ra nỗi lo sợ lớn lao liên can đến cách mà người kiếp trước qua đời. Đôi khi, những nỗi lo sợ này hiện ra trước khi trẻ bắt đầu nói về chuyện kiếp trước. Thí dụ tiêu biểu là Shamlinie Prema ở Tích Lan. Hồi còn là em bé, phải cần ba người lớn nắm giữ mới tắm cho em được, về sau em kể chuyện là kiếp trước bị chết chìm. Có trẻ lộ ra cách chơi kỳ lạ, chuyện thường thấy nhất là trẻ bắt chước nghề nghiệp của người kiếp trước, và sự hăng hái mà các em lộ ra khi muốn chơi trò này hoài hủy có thể rất đáng chú ý. Những trẻ khác cứ tái diễn nhiều lần cảnh mà em qua đời trong kiếp trước.
Khi William và 2500 trẻ khác thuật lại những điều mà các em cho là việc nhớ lại kiếp trước, có phải đó là những biến cố trong kiếp trước của các em chăng ? Các nhà nghiên cứu bận tâm về câu hỏi này cả mấy chục năm. Trước đây họ chỉ viết bài cho nhóm độc giả trong giới khoa học, nhưng nay với tài liệu trong 40 năm qua, các hồ sơ được đưa ra cho công chúng xem xét để lượng giá các chứng cớ. Công chúng và có cơ hội để học hỏi về những trường hợp này, và rồi quyết định là những trẻ như William có thực sự trở lại trần sau khi đã xong kiếp trước, và liệu những ai khác cũng có thể trở lại như họ.
Theo:
Life before Life: A Scientific Investigation of Childtren's Memories of Previous Lives.
Dr. Jim Tuckers (University of Virginia) 2008.